Khác với quản lý một cửa hàng đơn lẻ, quản lý chuỗi phức tạp hơn nhiều. Sai một ly là đi luôn một dặm. Một lỗi nhỏ có thể dẫn tới sự sụp đổ của cả hệ thống khổng lồ. Dưới đây là 7 sai lầm chết người, à không chết chuỗi - mà ai cũng có thể mắc phải.
Quy trình vận hành yếu
Mỗi ngày mở cửa là một trận chiến. Không ai nắm được chuyện gì đang xảy ra trong chuỗi. Không ai nhìn được bức tranh tổng quát mà chỉ chạy theo sự vụ. Cửa hàng trưởng chỉ cần nghỉ phép một ngày là mọi thứ trở nên hỗn loạn.
Đó là một vài “triệu chướng" dễ nhận thấy nhất. Và đây cũng là nguyên nhân hàng đầu khiến các chuỗi chết.
Hao hụt hàng hóa và tiền hàng
Hao hụt, mất mát là chuyện đương nhiên. Bạn luôn cần dự trù một khoản chi phí để bù vào số hao hụt này. Hàng hóa trên kệ bị đổ vỡ. Hàng trong kho bị hỏng hóc. Nhân viên trả nhầm tiền thừa cho khách. Ăn cắp vặt và hàng tá lý do khác.
Tuy nhiên, nếu mọi thứ vượt tầm kiểm soát thì vài tình huống biển thủ vặt cũng có thể trở thành nguyên nhân hàng đầu gây mục ruỗng văn hóa từ bên trong. Sĩ khí đội ngũ bị sụt giảm, bầu không khí nghi ngờ lan tỏa khiến văn hóa tổ chức rệu rã dần.
Không có văn hóa phát triển
Xây dựng văn hóa tích cực là điều bắt buộc, bởi nếu không, hệ thống của bạn sẽ mất dần động lực khi đi đường dài. Văn hóa càng mạnh mẽ thì rủi ro về nhân sự sẽ càng giảm. Gợi ý dành cho bạn:
- Thiết kế các hoạt động đọc sách và chia sẻ mỗi tuần để khuyến khích tinh thần học hỏi
- Thiết kế các hoạt động cảm ơn và khen thưởng những nhân viên nhiệt tình
- Thiết kế các sự kiện thể thao hằng quý nhằm nâng cao sức khỏe thể chất cho nhân viên
Quản lý chất lượng tệ
Có lẽ bạn không còn xa lạ với lời chê bai kinh điển: “Thương hiệu ấy mở rộng thì chất lượng sản phẩm (đồ ăn, dịch vụ) không còn tốt như lúc trước”.
Điều này đến từ việc quá tải khâu quản trị chất lượng, khiến đầu ra không còn đảm bảo. Đặc biệt trong các chuỗi nhượng quyền, vấn đề quản lý chất lượng phải được lưu tâm hàng đầu.
Cửa hàng lãi, cả chuỗi lỗ
Các cửa hàng đều báo lãi, nhưng khi tổng hợp lại thành báo cáo tài chính hợp nhất thì cả chuỗi lại lỗ. Thật oái ăm!
Điều này xuất phát từ sự yếu kém của bộ máy điều hành. Chuỗi phát triển quá lớn mạnh khiến cho bộ máy điều hành phình to quá mức. Quản trị yếu kém làm cho bộ máy trở thành mồ chôn lợi nhuận cho toàn hệ thống.
Tiếc những "quả táo thối"
Một trái táo thối có thể gây ảnh hưởng tới cả rổ táo!
Bạn phải đủ quyết đoán để loại bỏ những cửa hàng kém hiệu quả nhưng vô phương cứu chữa. Đó có thể là một khu vực không có nhu cầu với sản phẩm, hoặc đã có những đối thủ khác mạnh hơn. Càng giữ thì càng thua lỗ, thôi thì…thà đau một lần rồi thôi!
Khủng hoảng truyền thông
Chỉ cần một khách hàng không hài lòng về sản phẩm hay một ai đó cố tình muốn hủy hoại danh tiếng của chuỗi đều có thể kích hoạt hiệu ứng domino khiến toàn bộ chuỗi điêu đứng.
Nội lực vững chắc, sản phẩm chất lượng, đội ngũ khách hàng trung thành đông đảo, mối quan hệ tốt với giới truyền thông và báo chí - là chìa khoá giúp chuỗi chống chọi trước những cơn bão này.
Cuốn sách Nhân Chuỗi Cửa Hàng
Bài biên tập từ một phần của sách NHÂN CHUỖI CỬA HÀNG - tác giả Phùng Thanh Ngọc (chuyên gia đầu tiên viết về nhân chuỗi cửa hàng tại Việt Nam).