Làm sao để thiết kế danh mục hàng hoá cho cửa hàng của mình?
Cách tốt nhất là sao chép!
Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo thêm 4 chiến thuật sau - được đúc kết từ chính những trải nghiệm thực tế của tôi trong ngành bán lẻ.
Chiến thuật 1: Tránh xa hàng bán chậm
Ở mỗi địa phương đều có thói quen tiêu xài nhất định. Nếu một mặt hàng bán chậm ở các cửa hàng lân cận thì tốt nhất là bạn nên tránh nó, ít nhất là trong giai đoạn đầu.
Chiến thuật 2: Phải có hàng bán chạy
Phủ định lại chiến thuật trên, bạn cần tối đa cơ hội bán được hàng bằng các sản phẩm bán chạy nhất của đối thủ cùng ngành.
Chiến thuật 3: Bán cái đối thủ không bán
Nhưng trước tiên, bạn cần phân tích để biết vì sao họ không bán những thứ đó. Bởi ít người mua? Giá trị tồn kho cao? Quá cồng kềnh khó trưng bày? Nếu quyết định chọn bán nó, bạn cần có giải pháp khắc phục các nhược điểm này.
Chiến thuật 4: Không bán cái đối thủ bán quá rẻ
Họ bán rẻ, bán hoà vốn, thậm chí bán lỗ có thể vì đó là mặt hàng DẪN DỤ (phễu) của họ - để thu hút khách hàng. Trừ khi bạn có thể làm điều tương tự, nếu không thì đừng bán các sản phẩm này, để tránh tâm lý so sánh của khách hàng. Đôi khi chỉ 1 sản phẩm đắt hơn, bạn cũng có thể bị khách quy chụp là tất cả các sản phẩm khác cũng đắt hơn đối thủ.
Việc thiết kế danh mục hàng hoá rất quan trọng vì nó quyết định đến nhiều vấn đề sau đó như:
- Tìm kiếm nhà phân phối và quyết định giá bán
- Thiết kế không gian trưng bày phù hợp
- Phân bổ vốn đầu tư cho từng ngành hàng
Nếu cửa hàng của bạn là một rạp chiếu phim, trải nghiệm mua sắm là bộ phim thì danh mục hàng hoá chính là cốt truyện. Một cốt truyện kém hấp dẫn thì bạn có dùng bao nhiêu kỹ xảo điện ảnh cũng khó kéo khách hàng quay trở lại rạp lần sau!
Tác giả Trần Thanh Phong và sách Khởi Nghiệp Bán Lẻ
Bài viết được biên tập từ một phần nội dung của sách KHỞI NGHIỆP BÁN LẺ, chương 4 (Câu thần chú của ngành bán lẻ).